Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày Đăng: 12 Tháng Chín, 2022

1. Các yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Cho vay lãi nặng là: Hình thức cho vay mà không thông qua hệ thống ngân hàng, không có đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Đây là hình thức cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS.

Như vậy có thể hiểu Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS năm 2015) là: Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác mà xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội này bao gồm:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan:

Hành vi phạm tội được quy định là hành vi cho vay trong giao dịch dân sự với mức lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất mà Bộ luật dân sự quy định.

Hành vi cho vay nói trên chỉ bị coi là tội phạm nếu có một trong các dấu hiệu sau:

– Chủ thể thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên;

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 thì lãi suất trong hợp đồng vay được xác định như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực…”

Như vậy, có thể hiểu “cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS 2015”, tức là cho vay với lãi suất trên 100%/năm. Nghĩa là, các giao dịch vay mà lãi suất từ 20%/năm trở xuống là giao dịch có lãi suất hợp pháp; các giao dịch có lãi suất từ trên 20%/năm đến dưới 100%/năm là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp, nhưng chưa đến mức bị xử lý về hình sự; các giao dịch có lãi suất từ 100%/năm trở lên mới thuộc đối tượng để xem xét trách nhiệm hình sự. Vì vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của BLDS, nếu lãi suất cho vay là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên hành vi trên phải đi kèm điều kiện là số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này là 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là người phạm tội và hành vi trên cũng không cấu thành tội phạm này.

Căn cứ theo Công văn 212/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến vướng mắc trong xét xử do Tòa án nhân dân tối cao ban hành thì khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

– Chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng. Nghĩa là người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này và chưa được xóa án tích theo Điều 7, Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 mà nay lại tiếp tục thực hiện hành vi cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng.

Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích Điều 70, Điều 71 và Điều 72 BLHS năm 2015 mà nay lại tiếp tục thực hiện hành vi cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên nhưng thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng.

 Hậu quả: hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Thứ hai, khách thể của tội phạm

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng, cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, qua đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay. Ngoài ra cho vay nặng lãi có thể là nguyên nhân dẫn đến xâm phạm trật tự an toàn, an ninh, trật tự xã hội khi có hành vi siết nợ diễn ra trên thực tế.

Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm

Đối với tội cho vay nặng lãi, lỗi của người phạm tội ở đây là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi cho vay lãi suất cao của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra vì lợi nhuận bất chính kiếm được là rất cao.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm

– Chủ thể khi thực hiện hành vi của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì đều phải chịu trách nhiệm về tội này.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng (theo quy định tại điều 12 Bộ luật Hình sự).

Như vậy, người được xác định là có hành vi phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành nêu trên.

2. Hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Căn cứ Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bao gồm 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể như sau:

– Khung hình phạt cơ bản có mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết sau:

– Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; 

– Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này;

– Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Khung hình phạt tăng nặng quy định phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có tình tiết định khung hình phạt tăng nặng thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên.

– Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Những điểm mới của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999

So với Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Thứ nhất, sửa tên tội danh:

Tội danh “Tội cho vay lãi nặng” tại Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc sửa tội danh này nhằm làm rõ phạm vi xử lý và tính chất của các hành vi cho vay lãi nặng.

Thứ hai, về hình phạt có những điểm mới sau:

– Khoản 1 Điều 201 BLHS 2015 thay thế quy định về mức lãi suất trong Điều 163 BLHS 1999 từmức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột” thành “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự”

– Khoản 1 Điều 201 BLHS 2015 quy định cụ thể các tình tiết định khung hình phạt và tăng mức phạt tại khung hình phạt cơ bản, cụ thể:

+ Thay mức phạt tiền “từ 01 lần đến 10 lần số tiền lãi” thành “từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”; 

+ Nâng mức phạt cải tạo không giam giữ từ “đến 01 năm” lên “đến 03 năm”. 

– Bỏ tình tiết có tính chất chuyên bóc lột tại khoản 1 Điều 163 BLHS 1999. Có thể thấy tình tiết này rất chung chung và không rõ ràng. Việc quy định điều này gây khó khăn trong việc xác định của các thẩm phán “như nào là hành vi có tính chất chuyên bóc lột?”

– Khoản 1 Điều 201 BLHS 2015 cụ thể hóa các tình tiết xác định khung hình phạt đối với người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự mà:

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

– Cụ thể hóa thành các tình tiết định khung hình phạt, cụ thể:

– So với khoản 2 Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ nêu tình tiết thu lợi bất chính lớn thì khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hóa thành tình tiết định “thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên.

– Trong khoản 2 Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt tù, đó là: phạt tù từ sáu tháng  đến ba năm. Khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm thành hai khung hình phạt là: “phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng” hoặc “phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

– Bổ sung tại khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng): phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

Nhận thấy,cho vay lãi nặng đang là vấn đề nhức nhối được xã hội quan tâm. Đáng lưu ý, tín dụng đen không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mà còn tràn đến các khu công nghiệp – khu chế xuất, các thành phố lớn, khắp hang cùng ngõ hẻm với các tờ rơi quảng cáo kiểu “alô là có tiền, lãi suất thấp không cần thế chấp”. Số vụ án được phát hiện ngày càng nhiều, diễn ra trên phạm vi rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Kèm theo những hoạt động cho vay lãi nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích để thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ… Do đó chính sách pháp luật về hình sự cũng được thay đổi theo nhằm hạn chế những hậu quả không đáng có phát sinh từ hành vi vay lãi nặng và cho vay lãi nặng

So với Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều quy mới khắc phục những bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tạo ra sự công bằng, triệt để trong xử lý, đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thực tiễn.

NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ, MỘT CHỒNG

1. Các yếu tố cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

1. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động […]

XEM THÊM
NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM