Tình huống về vốn điều lệ thực góp không đúng với số vốn đã đăng ký

TÌNH  HUỐNG VỀ VỐN ĐIỀU LỆ THỰC GÓP KHÔNG ĐÚNG VỚI SỐ VỐN ĐÃ ĐĂNG KÝ

Ngày Đăng: 25 Tháng Mười, 2022

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, Công ty chúng tôi là Công ty cổ phần. Chúng tôi thành lập từ năm 2005 với số vốn điều lệ đăng ký là 10.000.000.000 tỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông mới góp với số vốn là 2.000.000.000 tỷ và trong Báo cáo tài chính hàng năm cũng chỉ ghi nhận số vốn của chủ sở hữu là 2.000.000.000 đồng. Vậy mong Luật sư cho biết, việc chúng tôi không góp đủ số vốn như đã đăng ký có rủi ro gì hay không?

Cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Công ty Luật có phản hồi như sau:

1. Quy định của pháp luật về nghĩa vụ góp vốn của cổ đông sáng lập

Căn cứ Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì:

– Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp có cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn;

– Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Sau 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hànhkhông được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Công ty cổ phần không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết.

Như vậy, cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số cổ phần trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty phải thực hiện việc thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn. Trường hợp cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn 03 năm; sau 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành.

2. Rủi ro đặt ra với Công ty trong trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua nhưng công ty không thay đổi cổ đông sáng lập cũng như không điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định pháp luật

2.1. Rủi ro trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh

Căn cứ khoản 5 Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản này có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy đinh tại điểm a khoản 6 Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Căn cứ khoản 4 Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp theo quy đinh tại điểm khoản 6 Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Như vậy, xét về góc độ đăng ký kinh doanh hì với trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua nhưng công ty không thay đổi cổ đông sáng lập cũng như không điều chỉnh giảm vốn điều lệ thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như trên.

2.2. Về việc ghi nhận vốn chủ sở hữu trong báo cáo thuế

Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán vốn chủ sở hữu thì kế toán không ghi nhận vốn góp theo vốn điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Khoản vốn góp huy động, nhận từ các chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp, tuyệt đối không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu. Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại ngày góp vốn.

Như vậy, việc báo cáo tài chính thể hiện vốn thực góp của cổ đông là đúng quy định pháp luật về việc ghi nhận vốn chủ sở hữu trong báo cáo thuế và hiện nay pháp luật chưa có quy định chế tài đối với vấn đề này.

Dựa theo thông tin bạn đưa ra, chúng tôi nhận thấy không có phương án nào có thể triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro (có thể xảy ra) với Công ty bạn trong trường hợp các cổ đông không góp đầy đủ vốn điều lệ đã cam kết mua nhưng Công ty không thực hiện việc giảm vốn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra, chúng tôi đề xuất các cổ đông trong Công ty bạn có thể tiến hành góp vốn để đảm bảo vốn chủ sở hữu là 10 tỷ theo vốn điều lệ. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi với yêu cầu của bạn. Nếu có bất cứ vấn đề gì, đề nghị bạn liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng./.

TÌNH HUỐNG VỀ HÀNH VI SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

Tình huống: Thưa Luật sư, doanh nghiệp tôi kinh doanh thiết bị vệ sinh nhập […]

XEM THÊM
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

Tình huống: Thưa Luật sư, chúng tôi là Công ty cổ phần mới thành lập […]

XEM THÊM
TÌNH HUỐNG VỀ VIỆC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ HỮU TRÍ TUỆ (NHÃN HIỆU)

Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi và 03 người bạn đang có ý định góp […]

XEM THÊM