Tình huống về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu)

TÌNH HUỐNG VỀ VIỆC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ HỮU TRÍ TUỆ (NHÃN HIỆU)

Ngày Đăng: 25 Tháng Mười, 2022

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, tôi và 03 người bạn đang có ý định góp vốn thành lập Công ty cổ phần, trong đó có 01 người bạn muốn góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu “Vones”. Vậy mong Luật sư cho biết, quyền sử dụng nhãn hiệu có được coi là một loại tài sản góp vốn hay không và chúng tôi phải thực hiện thủ tục góp vốn như thế nào?

Cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Đối với câu hỏi trên của bạn, chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

1. Quy định của pháp luật về tài sản góp vốn

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện  nay, bạn và một số  người bạn muốn góp vốn để thành lập Công ty cổ phần, trong đó có 01 người bạn muốn góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu “Vones”.

Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ 2019 thì Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh) và quyền đối với giống cây trồng.

Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ được coi là một loại tài sản góp vốn. Các bạn được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần theo quy định pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục góp vốn

Trình tự, thủ tục góp vốn vào Công ty được thực hiện cụ thể như sau:

Bước 1: Thẩm định giá tài sản góp vốn

Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 thì đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Như vậy, việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ phải được cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá và được thể hiện bằng đồng Việt Nam

Bước 2: Lập Biên bản về việc giao nhận góp vốn

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 thì đối với tài sản có đăng ký thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó; đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung sau

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;

c) Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;

d) Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Bước 3: Thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu

Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2019 thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, trường hợp cổ đông sáng lập có quyền sở hữu nhãn hiệu thì được quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho tổ chức (Công ty cổ phần dự định thành lập) thông qua việc góp vốn vào doanh nghiệp (thông qua Biên bản).

Việc thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu được thực hiện như sau:

Thứ nhất, xác lập hợp đồng sử dụng nhãn hiệu

Theo quy định tại Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2019, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu gồm các dạng sau đây (Điều 143 Luật  Sở hữu trí tuệ 2019):

– Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.

– Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác.

– Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. 

Thứ hai, lập hồ sơ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ:

Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Thông tư số 01/2007/TT-BKNCN ngày 14/2/2007 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:

02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;

– 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

– Bản gốc văn bằng bảo hộ;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

– Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

– Chứng từ nộp phí, lệ phí

Hồ sơ sau khi được chuẩn bị xong sẽ được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét và ra Quyết định chấp nhận hay không chấp nhận việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.

Như vậy, trường hợp các bạn góp vốn bằng quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu) thì các bạn và Công ty Cổ phần (dự kiến thành lập) phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đối với nhãn hiệu như trình tự nêu trên. Trường hợp chưa thực hiện thủ tục trên thì Công ty Cổ phần chưa được quyền sử dụng nhãn hiệu của cổ đông sáng lập và thủ tục góp vốn chưa hoàn tất.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi với yêu cầu của bạn. Nếu có bất cứ vấn đề gì, đề nghị bạn liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng./.

TÌNH HUỐNG VỀ HÀNH VI SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

Tình huống: Thưa Luật sư, doanh nghiệp tôi kinh doanh thiết bị vệ sinh nhập […]

XEM THÊM
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

Tình huống: Thưa Luật sư, chúng tôi là Công ty cổ phần mới thành lập […]

XEM THÊM
TÌNH  HUỐNG VỀ VỐN ĐIỀU LỆ THỰC GÓP KHÔNG ĐÚNG VỚI SỐ VỐN ĐÃ ĐĂNG KÝ

Câu hỏi: Thưa Luật sư, Công ty chúng tôi là Công ty cổ phần. Chúng […]

XEM THÊM