Quy định pháp luật về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ, MỘT CHỒNG

Ngày Đăng: 19 Tháng Chín, 2022

1. Các yếu tố cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

Căn cứ quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hành vi của người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội này bao gồm:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội phải có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang có vợ hoặc chồng hoặc tuy chưa có vợ, có chồng nhưng biết rõ người khác đang có chồng, vợ mà vẫn có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó, cụ thể:

– Đang có vợ hoặc có chồng được hiều trước hết là trường hợp đã kết hôn (có đăng ký kết hôn) và chưa chấm dứt quan hệ vợ chồng bằng quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án.

– Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân & gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

– Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… (theo hướng dẫn tại Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001).

Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng nêu trên chỉ cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi thoả mãn một trong các dấu hiệu sau:

– Đã gây hậu quả nghiêm trọng như: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; hoặc Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Theo đó, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, vi phạm quy định pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.

Thứ ba, khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình là nguyên tắc một vợ, một chồng.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng cũng phải đảm bảo các điều kiện về độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự quy định trong Bộ luật hình sự 2015.

– Về độ tuổi: Chủ thể của tội phạm này phải đủ tuổi kết hôn (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên) và phải là đang có vợ hoặc có chồng hợp pháp hoặc là người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng biết rõ người khác đang có chồng có vợ, mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó.

Đối với người còn lại mà chưa có vợ hoặc có chồng khi biết rõ bên kia đã có chồng hoặc có vợ mà vẫn đồng ý kết hôn với họ thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với vai trò đồng phạm và phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015.

– Về năng lực trách nhiệm hình sự: Chủ thể của tội phạm phải có năng lực trách nhiệm hình sự và không thuộc trường hợp tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, người được xác định là có hành vi phạm Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành nêu trên.

2. Hình phạt đối với Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

Căn cứ Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hình phạt đối với Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng bao gồm 02 khung hình phạt chính cụ thể như sau:

– Khung hình phạt cơ bản có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết sau:

– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

– Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

– Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

3. Những điểm mới của Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999

So với Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã có những điểm mới sau:

– Đối với khung hình phạt cơ bản, quy định rõ về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” thành “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”.

– Đối với khung hình phạt tăng nặng, bổ sung tình tiết “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”.

Nhận thấy, việc Bộ luật Hình sự 2015 quy định các điểm mới nêu trên là vô cùng cần thiết, phù hợp. Bởi hiện nay, tình trạng ngoại tình ngày càng gia tăng và việc ngoại tình này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân gia đình, làm cho hạnh phúc gia đình đổ vỡ, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của các con… Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn khó áp dụng trên thực tế bởi việc chứng minh về tình tiết vi phạm chế độ một vợ một chồng là nguyên nhân làm cho “quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn” hoặc làm cho “vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” còn gặp nhiều khó khăn đối với cơ quan tiến hành tố tụng.

Do đó, pháp luật cần có những quy định hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa để những quy định nêu trên được áp dụng dễ dàng trong thực tiễn, góp phần răn đe những đối tượng vi phạm, đảm bảo nguyên tắc của hôn nhân tiến bộ – một vợ một chồng hiện nay.

NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

1. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động […]

XEM THÊM
NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM
TÌNH HUỐNG VỀ TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Tình huống: Thưa Luật sư, anh trai tôi là Trần Đình T – Giám đốc […]

XEM THÊM