Tình huống về hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

TÌNH HUỐNG VỀ HÀNH VI SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

Ngày Đăng: 25 Tháng Mười, 2022

Tình huống:

Thưa Luật sư, doanh nghiệp tôi kinh doanh thiết bị vệ sinh nhập khẩu. Hiện nay, trên hồ sơ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp thể hiện chứng từ còn hàng tồn kho và một khoản tiền mặt tổng giá trị là 1.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng hàng hóa này không phải của Công ty tôi. Đây là hàng hóa do nhân viên kho nhận gửi giữ hộ và kế toán không nắm được nên kê khai vào hồ sơ  kế toán của Công ty.

Vậy, mong Luật sư cho tôi  biết, việc Công ty tôi có hóa đơn chứng từ nhưng thực tế không có hàng hóa thì có thể gặp những rủi ro gì. Cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có tư vấn như sau:

1. Việc Công ty có hóa đơn, chứng từ nhưng thực tế không có hàng hóa được coi là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020.NĐ-CP ngày 19/10/2020 thì hành vi sử dụng Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả được coi là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

Theo đó, dựa trên các thông tin bạn cung cấp, việc công ty bạn có hóa đơn, chứng từ nhưng thực tế không có hàng hóa có thể được coi là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

2. Chế tài đối với hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

Đối với hành vi không sử dụng hợp pháp hóa đơn, chứng từ Công ty bạn có thể phải chịu các chế tài xử phạt như sau:

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính

– Đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định thì sẽ bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị: Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

– Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm sẽ bị phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên; trường hợp không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì bị phạt tiền 1.5 lần số tiền thuế trốn; phạt tiền 2 lần số thuế trốn với hành vi có 1 tình tiết tăng nặng; phạt tiền 2,5 lần đối với hành vi có 2 tình tiết tăng nặng; phạt tiền 3 lần đối với nười nộp thuế có 03 tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước; Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

– Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn trừ 02 trường hợp nêu trên thì doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP và bị buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Như vậy, tùy mục đích sử dụng hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.

2.2. Xử lý hình sự

Trường hợp doanh nghiệp bạn có hành vi mua bán hóa đơn, chứng từ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về tội mua bán hóa đơn theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

Căn cứ quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội này bao gồm:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm: Tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện ở một trong các hành vi sau đây:

– Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;

– Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;

– Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;

– Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.

Hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số;

+ Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số;

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm: Tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hậu quả và nhận thức rõ hành vi mình làm là trái luật, họ mong muốn thực hiện hành vi phạm tội hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Thứ ba, khách thể của tội phạm: Tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay trên sổ sách kế toán công ty thể hiện hàng tồn khoa và tiền mặt là 1.000.000.000 đồng nhưng trên thực tế tài sản này thuộc sở hữu của người khác. Việc công ty có hóa đơn, chứng từ thực tế không có hàng hóa là có dấu hiệu của hành vi mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa kèm theo. Tuy nhiên, chỉ cấu thành tội phạm mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số;

+ Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số;

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Do thông tin bạn đưa ra chưa đầy đủ nên Công ty Luật chưa thể đưa ra đánh giá cụ thể về hành vi vi phạm của công ty. Tuy nhiên, trường hợp hành vi của công ty có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên thì có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán hóa đơn theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi liên quan đến yêu cầu tư vấn của bạn. Những đánh giá nêu trên thể hiện quan điểm riêng của Công ty Luật, không phải là căn cứ bắt buộc để các cơ quan, tổ chức hữu quan ra phán quyết hay quyết định về vụ việc. Chúng tôi sẵn sàng làm rõ những vấn đề liên quan đến các nội dung tư vấn nêu trên nếu Công ty bạn có yêu cầu.

Trân trọng.

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRIỆU TẬP HỌP ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

Tình huống: Thưa Luật sư, chúng tôi là Công ty cổ phần mới thành lập […]

XEM THÊM
TÌNH HUỐNG VỀ VIỆC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ HỮU TRÍ TUỆ (NHÃN HIỆU)

Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi và 03 người bạn đang có ý định góp […]

XEM THÊM
TÌNH  HUỐNG VỀ VỐN ĐIỀU LỆ THỰC GÓP KHÔNG ĐÚNG VỚI SỐ VỐN ĐÃ ĐĂNG KÝ

Câu hỏi: Thưa Luật sư, Công ty chúng tôi là Công ty cổ phần. Chúng […]

XEM THÊM