Quy định pháp luật về lấy ý iến con khi ly hôn

Quy định pháp luật về lấy ý iến con khi ly hôn

Ngày Đăng: 24 Tháng Hai, 2022

1. Quy định pháp luật về lấy ý kiến con khi ly hôn

1.1. Đối tượng cần lấy ý kiến khi ly hôn

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Sau đây gọi tắt là Luật HNGĐ 2014) thì vợ chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Theo quy định tại Điều 55 Luật HNGĐ 2014 về thuận tình ly hôn thì “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật HNGĐ 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì khi vợ chồng tiến hành ly hôn tại Tòa án, bất kể là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì việc xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên là thủ tục bắt buộc mà Tòa án phải thực hiện. Tuy nhiên, nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, còn tổng thể việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố của người trực tiếp nuôi con để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con như thu nhập hàng tháng, chỗ ở ổn định, thời gian chăm sóc, giáo dục, vui chơi với con, nhân cách, đạo đức tốt…

1.2. Nguyên tắc lấy ý kiến của con khi giải quyết vụ án ly hôn

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLTTDS 2015) thì “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”.

Như vậy, đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, thủ tục lấy ý kiến của con khi vợ chồng ly hôn phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

– Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người con;

– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người con;

– Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.

Lưu ý: Hiện nay, Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức cũng như trình tự, thủ tục lấy ý kiến của con. Do đó, tùy theo từng vụ việc và hoàn cảnh cụ thể, Thẩm phán sẽ linh hoạt áp dụng cách thức lấy ý kiến của con cho phù hợp nhất. Thông thường, Thẩm phán sẽ lựa chọn một trong các cách thức để lấy ý kiến của người con như sau:

– Lấy ý kiến của người con trực tiếp tại Trụ sở Tòa án, nơi con học tập/sinh sống hoặc một địa điểm khác phù hợp đối với người con.

– Lấy ý kiến của người con gián tiếp qua hình thức văn bản (thường bằng Bản tự khai, Đơn trình bày nguyện vọng… của người con và các văn bản này được Thẩm phán yêu cầu phải có xác nhận của cha mẹ).

2. Về điểm mới về quy định lấy ý kiến con tại Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 so với Luật HNGĐ 2000, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004

Thứ nhất, Luật HNGĐ 2014 đã mở rộng phạm vi về độ tuổi đối với trẻ cần lấy ý kiến khi giải quyết ly hôn

Căn cứ theo khoản 2 Điều 92 Luật HNGĐ 2000 quy định “Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Như vậy, so với Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, Luật HNGĐ 2014 đã mở rộng phạm vi về độ tuổi đối với trẻ cần lấy ý kiến khi giải quyết ly hôn, theo đó, Tòa án sẽ phải xem xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên thay vì 09 tuổi trở lên như trước đây.

Việc mở rộng phạm vi nêu trên là hợp lý bởi độ tuổi 07 tuổi trở lên là độ tuổi trẻ em đã có nhận thức, khi cha mẹ ly hôn, các bé đã mất đi một điểm tựa quan trọng nhất là mái ấm gia đình nên rất cần lấy ý kiến để các bé nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Thứ hai, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định về nguyên tắc lấy ý kiến con trong thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

Cụ thể, so với Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, BLTTDS 2015 đã bổ sung quy định hoàn toàn mới về việc lấy ý kiến của con khi vợ chồng ly hôn phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

– Bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người con; Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người con.

– Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.

Như vậy, có thể thấy Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 đã có những quy định mới sửa đổi, bổ sung so với trước đây về vấn đề lấy ý kiến của người con khi giải quyết ly hôn là vô cùng cần thiết, là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định pháp luật, từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con khi giải quyết vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

3. Về một số bất cập trong quy định tại Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 và đề xuất kiến nghị

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, quy định liên quan đến vấn đề lấy ý kiến của người con khi giải quyết ly hôn tại Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như:

Thứ nhất, trong khi Luật HNGĐ 2014 quy định được hiểu theo hướng bất kể là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn thì việc xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên từ đủ 07 tuổi trở lên là thủ tục bắt buộc mà Tòa án phải tiến hành thì khoản 3 Điều 208 BLTTDS 2015 lại chỉ quy định nguyên tắc về việc lấy ý kiến con đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

Như vậy, đối với việc thuận tình ly hôn hoặc với những vụ án chỉ tranh chấp về việc ly hôn hoặc/và phân chia tài sản chung thì việc lấy ý kiến của người con có phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS 2015 hay không? Nếu Thẩm phán không đảm bảo các nguyên tắc nêu trên thì có phải là hành vi vi phạm tố tụng hay không?

Rõ ràng, BLTTDS 2015 cần có quy định cụ thể điều chỉnh về nguyên tắc lấy ý kiến con đối với cả trường hợp thuận tình ly hôn và đối với trường hợp ly hôn đơn phương nói chung để phù hợp với quy định tại Luật HNGĐ 2014 chứ không thể chỉ quy định điều chỉnh đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn.

Thứ hai, Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 chưa quy định về cách thức lấy ý kiến của con khiến việc áp dụng quy định gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 và các văn bản pháp luật liên quan chỉ quy định về việc Tòa án phải xem xét đến nguyện vọng của con từ đủ 07 trở lên và quy định nguyên tắc trong việc lấy ý kiến của con một cách chung chung mà không quy định cụ thể về cách thức Thẩm phán lấy ý kiến con.

Như đã phân tích tại phần 1 thì do pháp luật chưa điều chỉnh nên tùy theo từng vụ việc và hoàn cảnh cụ thể, Thẩm phán sẽ linh hoạt áp dụng cách thức lấy ý kiến của con cho phù hợp nhất. Tuy nhiên, mỗi cách thức lấy ý kiến sẽ mang lại những ưu điểm/nhược điểm riêng, cụ thể:

– Đối với cách thức lấy ý kiến của người con trực tiếp tại Trụ sở Tòa án, nơi người con học tập/sinh sống hoặc một địa điểm khác phù hợp: Cách thức lấy ý kiến này sẽ giúp đảm bảo tính khách quan, công bằng khi việc lấy ý kiến của con có sự chứng kiến của những người tiến hành tố tụng và có thể có thêm sự chứng kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (nếu có). Tuy nhiên, cách thức này cũng có thể ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người con khi chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn tại Tòa án, đồng thời có thể khiến vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết do cần sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý để lấy ý kiến người con.

– Đối với cách thức lấy ý kiến của người con gián tiếp qua hình thức văn bản: Cách thức lấy ý kiến này sẽ giúp đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, giữ bí mật cá nhân của người con, đồng thời giúp vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí thời gian của các bên đương sự cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, Bản tự khai, Đơn trình bày nguyện vọng của con có thể không thể hiện đúng nguyện vọng của người con mà có sự tác động của cha/mẹ hoặc những người thân khác trong gia đình, ảnh hưởng đến quyền lợi của người con.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất pháp luật và đảm bảo việc lấy ý kiến của con theo đúng như nguyện vọng mong muốn thì pháp luật cần phải quy định chi tiết về cách thức lấy ý kiến của con khi giải quyết vụ việc ly hôn.

Thứ ba, Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 chưa xem xét đến một số trường hợp việc lấy lời khai của con là không thể thực hiện được như: Cha hoặc mẹ đang sống cùng con nhưng không hợp tác để Tòa án lấy ý kiến của con; Người con rời khỏi nơi cư trú với cha hoặc mẹ mà không thông báo cho người còn lại biết địa chỉ của con; Người con bị mất năng lực hành vi dân sự nên Tòa án không thể lấy lời khai của người con…Đối với những trường hợp này, người tiến hành tố tụng đã gặp rất nhiều khó khăn trong cách giải quyết khi chưa lấy được ý kiến của người con bởi:

– Theo quy định Luật HNGĐ 2014 thì Tòa án buộc phải xem xét đến nguyện vọng của con khi giải quyết ly hôn;

– Tuy nhiên, nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là một trong những yếu tố Tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết ly hôn, việc quyết định giao con cho bên nào trực tiếp nuôi phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đồng thời, theo quy định tại Điều 214, Điều 217 BLTTDS 2015 thì việc không lấy được lời khai của các con không phải là căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án.

Do đó, Luật HNGĐ 2014, BLTTDS 2015 và các văn bản pháp luật liên quan cần có những quy định hướng dẫn giải quyết đối các trường hợp không lấy được ý kiến con nêu trên để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, tránh kéo dài dẫn đến vi phạm thời hạn xét xử.

Qua các phân tích nêu trên, việc xem xét nguyện vọng của con khi Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn là điều cần thiết để giải quyết vụ án được toàn diện, hợp lý nhưng việc quy định xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên tại Luật HNGĐ 2014 và BLTTDS 2015 là còn một số bất cập, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong thực tế không thống nhất, chưa đảm bảo tối đa quyền lợi của người con khi giải quyết ly hôn. Do đó, pháp luật cần có những quy định điều chỉnh sao cho phù hợp để việc áp dụng quy định đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em.

Quy định pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án

1. Khái niệm xác minh điều kiện thi hành án Xác minh điều kiện thi […]

XEM THÊM
Tình huống về trường hợp không phải xóa đăng ký thường trú

Chào Luật sư, Cuối tháng 10/2021, tôi và chồng tôi đã thực hiện xong thủ […]

XEM THÊM
Các quy định về việc khai thác thông tin căn cước công dân

1. Quy định pháp luật về cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở […]

XEM THÊM
Các trường hợp công dân bị xóa đăng ký thường trú

Ngày 01/7/2021, Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020 và Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày […]

XEM THÊM