Các quy định về việc khai thác thông tin căn cước công dân

Các quy định về việc khai thác thông tin căn cước công dân

Ngày Đăng: 8 Tháng Hai, 2022

1. Quy định pháp luật về cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1.1. Về các trường hợp được cung cấp thông tin công dân

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA thì các trường hợp được cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân bao gồm:

– Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

– Cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

– Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

– Công dân được cung cấp thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

– Cơ quan, tổ chức và công dân nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

1.2. Về thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin công dân

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 59/2021/TT-BCA thì thẩm quyền cho phép cung cấp, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:

– Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (trừ thông tin về ảnh chân dung và vân tay) của công dân đang thường trú trong phạm vi cấp huyện.

– Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (trừ thông tin về ảnh chân dung và vân tay) của công dân đang thường trú trong phạm vi cấp tỉnh.

– Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc; cho phép kết nối, chia sẻ thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với các cơ sở dữ liệu khác sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

1.3. Về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của công dân

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA thì trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:

Bước 1: Cơ quan, tổ chức, công dân có yêu cầu cung cấp thông tin tới người có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin

Thứ nhất, đối với cơ quan, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị, nêu rõ mục đích, nội dung, phạm vi thông tin cần cung cấp, cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Ngoài những trường hợp như Công an các đơn vị, địa phương, Cơ quan tiến hành tố tụng, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, Công dân  mà có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì phải có văn bản đồng ý có công chứng hoặc chứng thực của công dân được đề nghị cung cấp thông tin và được sự đồng ý của người có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin.

Thứ hai, đối với công dân có nhu cầu cung cấp thông tin của mình thì phải có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp.

Ngoài ra, công dân cần xuất trình thẻ Căn cước công dân để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin.

Bước 2: Người có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin có trách nhiệm trả lời bằng văn bản kết quả khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác.

2. Điểm mới về các trường hợp được cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA so với Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Chính phủ

Thứ nhất, điểm mới về các trường hợp được cung cấp thông tin của công dân

Một là, bổ sung một số trường hợp được cung cấp thông tin như sau:

– Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

– Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc bổ sung các trường hợp nêu trên là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin công dân của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác quản lý chính đáng.

Hai là, sửa đổi về điều kiện được cung cấp thông tin, cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10 Thông tư số 07/2016/TT-BCA thì “Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân”. Như vậy, theo quy định này thì điều kiện để khai thác thông tin phụ thuộc vào sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA đã quy định không còn điều kiện nêu trên mà thay vào đó thì: “Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.

Như vậy, việc Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định thay đổi điều kiện nêu trên là vô cùng cần thiết và phù hợp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của của công dân, nhằm tránh việc thông tin của họ bị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng vì mục đích không chính đáng.

Thứ hai, điểm mới về thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin của công dân

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BCA được sửa đổi bởi Thông tư số 40/2019/TT-BCA thì:

“1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân thường trú tại địa phương thuộc phạm vi quản lý.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an có thẩm quyền:

a) Cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc;

b) Cho phép khai thác, tra cứu vân tay được lưu trữ, quản lý trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an”.

Như vậy, so với quy định tại Điều 11 Thông tư số 07/2016/TT-BCA nêu trên, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2021/TT-BCA đã giới hạn phạm vi cho phép cung cấp thông tin của người có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin, theo đó, Giám đốc Công an cấp tỉnh và Trưởng Công an cấp huyện sẽ được cho phép cung cấp thông tin nhưng không được cung cấp thông tin về ảnh chân dung và vân tay của công dân.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 59/2021/TT-BCA cũng quy định thêm về việc Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cho phép kết nối, chia sẻ thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với các cơ sở dữ liệu khác nhưng phải được đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, Thông tư số 59/2021/TT-BCA đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân một cách phù hợp, nhằm đảm bảo bí mật thông tin của công dân, bảo vệ quyền lợi của họ một cách tối đa.

Thứ ba, điềm mới về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của công dân

Một là, trường hợp cơ quan, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải cam đoan trong văn bản đề nghị về việc chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA).

Hai là, trường hợp công dân có nhu cầu cung cấp thông tin của mình thì bắt buộc phải xuất trình thẻ Căn cước công dân để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin thay vì được xuất trình một trong các giấy tờ gồm Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân như trước đây (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA).

Ba là, theo quy định tại điềm c khoản 2 Điều 8 Thông tư số 59/2021/TT-BCA thì kết quả khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân bắt buộc phải được người có thẩm quyền trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản.

Như vậy, về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã được Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn so với Thông tư số 07/2016/TT-BCA. Điều này là cần thiết để đảm bảo hoạt động cung cấp thông tin được thực hiện một cách khách quan, đúng mục đích, đảm bảo việc bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định pháp luật.

Quy định pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án

1. Khái niệm xác minh điều kiện thi hành án Xác minh điều kiện thi […]

XEM THÊM
Quy định pháp luật về lấy ý iến con khi ly hôn

1. Quy định pháp luật về lấy ý kiến con khi ly hôn 1.1. Đối […]

XEM THÊM
Tình huống về trường hợp không phải xóa đăng ký thường trú

Chào Luật sư, Cuối tháng 10/2021, tôi và chồng tôi đã thực hiện xong thủ […]

XEM THÊM
Các trường hợp công dân bị xóa đăng ký thường trú

Ngày 01/7/2021, Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020 và Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày […]

XEM THÊM