Quy định pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án - luatdonghanoi.vn Quy định pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án

Quy định pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án

Ngày Đăng: 25 Tháng Hai, 2022

1. Khái niệm xác minh điều kiện thi hành án

Xác minh điều kiện thi hành án là thủ tục quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, do Chấp hành viên, Thừa phát lại hoặc người được thi hành án thực hiện nhằm thu thập, xác định thông tin về tài sản, thu nhập, địa chỉ, các điều kiện thi hành án khác của người phải thi hành án và các thông tin khác có liên quan làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án.

2. Quy định pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án

2.1. Chủ thể và thời điểm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án

– Chủ thể được quyền xác minh, tiếp cận thông tin tài sản của người phải thi hành án bao gồm:

+ Người được thi hành án hoặc người khác do người được thi hành án ủy quyền (khoản 5 Điều 44 Luật THADS);

+ Chấp hành viên cơ quan THADS (khoản 1 Điều 44 Luật THADS);

+ Thủ trưởng cơ quan THADS (Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS).

+ Thừa phát lại (Điều 3 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại).

– Về thời điểm xác minh thi hành án:

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì CHV tiến hành xác minh. Như vậy, thời điểm tiến hành xác minh trong các trường hợp thông thường được xác định sau khi kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án.Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

Đối với trường hợp xác minh theo định kỳ, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.

Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.

2.2. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án

Bước 1: Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án tự kê khai thông tin về điều kiện thi hành án

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS thì người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Chấp hành viên trực tiếp xác minh

Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật THADS, khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:

– Xuất trình thẻ Chấp hành viên;

– Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;

– Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;

– Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;

– Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;

– Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.

Bước 3: Ra quyết định về việc xác minh điều kiện thi hành án

 Đối với trường hợp kết quả xác minh trong các việc thi hành án theo yêu cầu cho thấy người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.

Bước 4: Tiến hành xác minh lại khi nhận được văn bản cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án

Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh.

Sau khi có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án.

Bước 5: Cơ quan thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án

Theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau:

– Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;

– Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật THADS;

– Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Việc thi hành án chưa có điều kiện được thống kê riêng để theo dõi. Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án.

3. Những bất cập trong việc xác minh điều kiện thi hành án và phương hướng giải quyết

3.1. Những bất cập trong việc xác minh điều kiện thi hành án

Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã sửa đổi quy định về chủ thể thực hiện xác minh điều kiện thi hành án theo hướng xác minh tài sản là quyền của người được thi hành án, chứ không phải nghĩa vụ của họ, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án thuộc về Chấp hành viên. Điều này, mặc dù có những ưu điểm nhất định, khắc phục những bất cập của Luật THADS năm 2008, nhưng trên thực tiễn thực hiện lại phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, người được thi hành án không cung cấp được thông tin về các tài sản để cơ quan thi hành án thực hiện việc xác minh. Khi không có thông tin về tài sản, Chấp hành viên phải xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, phường về tình trạng tài sản hiện nay của người phải thi hành án. Tuy nhiên, thông tin về tài sản được cung cấp của chính quyền địa phương hầu hết là liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất đai, ngoài ra các tài sản khác hầu như không đặt ra nên việc xác minh này được xem là chưa đầy đủ để thể hiện rằng người có nghĩa vụ thi hành án có còn tài sản nào khác nữa hay không. Trong khi đó, việc thanh toán trên thị trường chủ yếu bằng tiền mặt nên khó nhận biết về thu nhập khi họ không thường xuyên có mặt tại địa phương, đi làm ăn xa…Địa phương là cơ quan duy nhất có thể cung cấp thông tin thì cũng rất khó khăn để nắm được thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án.

Thứ hai, hầu hết các trường hợp xác minh điều kiện thi hành án đều không xác minh động sản phải đăng ký quyền sở hữu, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, quyền góp vốn tại các doanh nghiệp…

Đối với việc xác minh đối với động sản, đặc biệt là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu là vấn đề khó khăn và khó thực thi nhất vì tài sản rất dễ bị tẩu tán, tráo đổi, khó xác định giá trị… Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đối với các tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu trên thực tế là không kiểm soát được.

Thứ ba, việc phối hợp cung cấp thông tin điều kiện thi hành án còn chậm trễ. Thực tiễn cho thấy, ngay cả khi Chấp hành viên thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án nhưng sau đó xác minh lại thì tài sản thi hành không còn. Trong khi đó, hệ thống đăng ký tài sản còn chưa đảm bảo tính liên thông, đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tại nhiều cơ quan chưa được số hóa, vẫn còn quản lý trên giấy tờ, sổ sách thông thường, việc tra cứu thủ công dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót thông tin. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm thông tin từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sơ sài, không đầy đủ nhưng rất khó xem xét trách nhiệm đối với các trường hợp này. Do đó, cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của các cơ quan hữu quan và các chế tài pháp lý đủ mạnh để áp dụng đối với các trường hợp vi phạm trách nhiệm này.

3.2. Một số phương hướng giải quyết nhằm khắc phục những bất cập trong việc xác minh điều kiện thi hành án

Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật THADS nói chung và hoàn thiện các quy định về thông tin tài sản của người phải thi hành án nói riêng như: Mức độ thông tin tài sản thi hành án phải cung cấp hay thông tin về các giao dịch dân sự, kinh tế giữa người phải thi hành án với những chủ thể có mối quan hệ thân quen khác đã được thực hiện trước thời điểm người phải thi hành án cung cấp thông tin về tài sản của mình cho cơ quan thi hành án.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh điều kiện THADS như: cần có những quy định cụ thể hơn về nội dung xác minh thi hành án, quy định cụ thể chế tài xử lý đủ mạnh đối với những trường hợp chưa phối hợp, phối hợp chưa tốt với cơ quan THADS và gây thiệt hại cho các bên đương sự. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và tư pháp đối với việc xác minh tài sản THADS. Qua đó góp phần đảm bảo bản án, quyết định được thi hành trên thực tiễn, cũng như đáp ứng được nguyện vọng và quyền lợi của đương sự.

Nhận thấy, việc xác minh điều kiện thi hành án đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết thi hành án. Theo đó, kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên thuyết phục đương sự thi hành án, là cơ sở để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra các quyết định ủy thác, đình chỉ thi hành án hay để Chấp hành viên lựa chọn biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.

Quy định pháp luật về lấy ý iến con khi ly hôn

1. Quy định pháp luật về lấy ý kiến con khi ly hôn 1.1. Đối […]

XEM THÊM
Tình huống về trường hợp không phải xóa đăng ký thường trú

Chào Luật sư, Cuối tháng 10/2021, tôi và chồng tôi đã thực hiện xong thủ […]

XEM THÊM
Các quy định về việc khai thác thông tin căn cước công dân

1. Quy định pháp luật về cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở […]

XEM THÊM
Các trường hợp công dân bị xóa đăng ký thường trú

Ngày 01/7/2021, Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020 và Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày […]

XEM THÊM