TÌNH HUỐNG VỀ TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TÌNH HUỐNG VỀ TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày Đăng: 12 Tháng Chín, 2022

Tình huống:

Thưa Luật sư, anh trai tôi là Trần Đình T – Giám đốc Công ty TD, để hợp thức hàng hóa dịch vụ đầu vào cho Công ty, anh T đã kết hợp với một số Công ty thực hiện việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống hàng hóa, dịch vụ cho Công ty TD. Từ tháng 07/2021 đến tháng 06/2022 anh T đã mua 62 tờ hóa đơn, tổng doanh số hàng hóa thể hiện trên các tờ hóa đơn khoảng 2 tỷ đồng, tổng thuế giá trị gia tăng khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, anh T đang bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố X mời lên làm việc.

Vậy, xin Luật sư cho biết trong trường hợp này hành vi của anh T đã phạm tội gì và có thể phải chịu hình phạt nào?

Trả lời: Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Đối với vụ việc của bạn, hành vi của anh Trần Đình T có đủ các dấu hiệu cấu thành Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

1. Về hành vi cấu thành của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Theo quy định tại Điều 203 BLHS 2015 thì Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội này bao gồm:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện ở một trong các hành vi sau đây:

+ In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;

+ Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;

+ Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây: Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định; Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.

Hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số;

+ Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số;

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hậu quả và nhận thức rõ hành vi mình làm là trái luật, họ mong muốn thực hiện hành vi phạm tội hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Thứ ba, khách thể của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Đối chiếu với vụ việc nêu trên, nhận thấy:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì từ tháng 07/2021 đến tháng 06/2022 anh T đã kết hợp với một số Công ty để thực hiện mua bán 62 tờ hóa đơn GTGT ghi khống hàng hóa, dịch vụ để hợp thức hàng hóa dịch vụ đầu vào với tổng doanh số hàng hóa thể hiện trên các tờ hóa đơn khoảng 2 tỷ đồng, tổng thuế giá trị gia tăng khoảng 200 triệu đồng.

Nhận thấy số lượng hóa đơn anh T mua bán và khoản tiền thu lợi bất chính đáp ứng đủ điều kiện tại điểm đ khoản 2 Điều 203 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và anh T sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của anh Trần Đình T là lỗi cố ý trực tiếp. Anh T nhận thức được hậu quả và nhận thức rõ hành vi mình làm là trái luật nhưng anh T vẫn cố tình thực hiện.

Thứ ba, khách thể của tội phạm

Hành vi mua bán hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào của anh T đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế trong việc quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của Nhà nước.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm

Trong trường hợp này anh Trần Đình T đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hành vi của anh T có đủ dấu hiệu cấu thành “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, theo đó hành vi của anh T thu lợi bất chính số tiền 200.000.000 đồng đã phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 203 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có khung hình phạt là: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là giải đáp của Luật sư liên quan đến câu hỏi của bạn. Nếu có thắc mắc gì, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Trân trọng!

NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ, MỘT CHỒNG

1. Các yếu tố cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

1. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động […]

XEM THÊM
NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM