Thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Ngày Đăng: 23 Tháng Tám, 2022

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp thì người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.

Tại Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007, Thông tư 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, cụ thể:

1. Các thông báo, quyết định có thể bị khiếu nại

Theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại là các quyết định, thông báo chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ về từng thủ tục trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo các quy định tương ứng của Thông tư này, bao gồm các quyết định, thông báo sau đây:

– Thông báo từ chối tiếp nhận đơn;

– Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

– Quyết định từ chối chấp nhận đơn;

– Thông báo chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn/chuyển đổi đơn/thay đổi chủ đơn/rút đơn;

– Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ; Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ tương ứng có thể bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định;

– Quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế; Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế, trừ trường hợp đăng ký quốc tế tương ứng có thể bị hủy bỏ hiệu lực theo quy định;

– Quyết định cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định cấp lại văn bằng bảo hộ; Quyết định từ chối cấp phó bản văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối cấp lại văn bằng bảo hộ;

– Thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ;

– Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ;

– Quyết định sửa đổi văn bằng bảo hộ, quyết định từ chối yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ;

– Quyết định chấm dứt/hủy bỏ một phần/toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ, thông báo từ chối chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ;

– Quyết định, thông báo về việc xử lý đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu;

– Các quyết định, thông báo khác chứa nội dung của quyết định hành chính. Các thông báo mang tính chất thông tin, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ không được coi là quyết định hành chính và không phải là đối tượng khiếu nại, ví dụ thông báo kết quả thẩm định, thông báo thiếu sót, yêu cầu sửa đổi, bổ sung tài liệu, dự định từ chối, thông báo tạm thời từ chối bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế.

2. Thời hiệu khiếu nại

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP thì quyền khiếu nại chỉ được thực hiện trong thời hiệu sau đây, không kể thời gian có trở ngại khách quan khiến người khiếu nại không thể thực hiện được quyền khiếu nại:

– Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

-Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

– Trong trường hợp người có quyền khiếu nại không thể thực hiện được việc khiếu nại trong thời hiệu vì trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng quy định thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu khiếu nại, với điều kiện người khiếu nại có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó.

3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.

4. Về hồ sơ khiếu nại

Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng Đơn khiếu nại. Theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì mỗi đơn khiếu nại có thể khiếu nại một hoặc nhiều quyết định, thông báo nếu các quyết định, thông báo đó có cùng một nội dung và lý do khiếu nại, với điều kiện người khiếu nại phải nộp phí cung cấp dịch vụ để giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp (nếu có), gồm phí thẩm định đơn, phí tra cứu thông tin theo quy định đối với từng quyết định, thông báo bị khiếu nại. Người khiếu nại phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ khiếu nại gồm các tài liệu sau đây:

– Tờ khai khiếu nại, làm theo Mẫu 05-KN;

– Văn bản giải trình lý do khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại. Văn bản giải trình lý do khiếu nại phải nêu rõ:

+Đối tượng khiếu nại: quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại (nêu rõ số, ngày ra quyết định, thông báo);

+ Lý do khiếu nại: quy định pháp luật bị vi phạm (tên văn bản, số điều khoản) và quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm;

+ Nội dung khiếu nại: nêu rõ và luận giải chi tiết (kèm theo chứng cứ (nếu cần)) về các yếu tố trái pháp luật của quyết định, thông báo bị khiếu nại;

+ Yêu cầu của người khiếu nại: sửa đổi, hủy bỏ một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ quyết định, thông báo bị khiếu nại;

+ Danh mục chứng cứ kèm theo (nếu có).

– Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ và bản sao đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định hoặc thông báo đó (trong trường hợp người nộp đơn khiếu nại lần hai); hoặc tài liệu chỉ dẫn thông tin về các tài liệu nêu trên;

– Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (đối với khiếu nại lần hai);

– Giấy ủy quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện); Đối với khiếu nại lần hai, bản sao giấy ủy quyền thuộc trường hợp giấy uỷ quyền có phạm vi uỷ quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc giấy uỷ quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được uỷ quyền phải nộp bản sao giấy uỷ quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc giấy uỷ quyền đó phải có xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ;

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

5. Về hình thức nộp Đơn

Người khiếu nại có thể thông qua đại diện sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, các Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng, cụ thể:

– Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

6. Về thủ tục giải quyết khiếu nại

6.1. Thụ lý Đơn khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:

– Ra thông báo từ chối thụ lý giải quyết đơn khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đối tượng bị khiếu nại không phải là các quyết định hoặc thông báo chính thức quy định;

+ Quyết định, thông báo bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

+ Việc nộp đơn khiếu nại không theo đúng quy định về đại diện;

+ Đơn khiếu nại không có chữ ký và con dấu (nếu có) hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

+ Đơn khiếu nại nộp ngoài thời hiệu quy định, trừ trường hợp “Không tính vào thời hạn khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong phạm vi thời hạn nếu tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu và có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó. Trường hợp yêu cầu được chấp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định, thông báo thu hồi quyết định, thông báo đã ban hành với lý do tổ chức, cá nhân không thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng thời hạn và khôi phục quá trình xử lý đơn trở về tình trạng như chưa kết thúc thời hạn”;

+ Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

+ Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án;

+ Người khiếu nại tiếp tục khiếu nại khi đã hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 10 và khoản 8 Điều 11 của Luật Khiếu nại;

+ Đơn khiếu nại không chỉ ra yếu tố trái pháp luật của quyết định, thông báo bị khiếu nại và chỉ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn là đối tượng của quyết định, thông báo đó.

– Ra thông báo thụ lý giải quyết đơn khiếu nại nếu đơn không thuộc các trường hợp quy định tại điểm 22.5.b, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.

6.2. Thời hạn giải quyết khiếu nại

Thời hạn giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 28 và Điều 37 của Luật Khiếu nại, cụ thể:

– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Các khoảng thời gian sau đây không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại:

+ Thời gian người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại;

+ Thời gian người giải quyết khiếu nại dành cho các bên để có ý kiến phản hồi theo quy định;

+ Thời gian dành cho việc tra cứu thông tin, thẩm định lại và các dịch vụ cần thiết khác phục vụ việc giải quyết khiếu nại, nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lại quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ.

6.3. Bên liên quan

– Đối với những đơn khiếu nại đã thụ lý, người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp (sau đây gọi là “bên liên quan”) và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến;

– Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu trên, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại;

– Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;

– Nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại tiếp tục lấy ý kiến của các bên theo quy trình và thời hạn nêu trên. Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở ý kiến của bên kia.

6.4. Quyết định giải quyết khiếu nại

– Căn cứ vào kết quả xem xét lại quyết định, thông báo bị khiếu nại người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại;

– Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại thông báo cho người khiếu nại và các bên liên quan về những lập luận và chứng cứ của bên kia được sử dụng để giải quyết khiếu nại cũng như kết luận về nội dung khiếu nại và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại và bên liên quan có ý kiến;

– Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 (đối với khiếu nại lần đầu) hoặc khoản 2 Điều 40 (đối với khiếu nại lần hai) của Luật Khiếu nại.

– Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày và trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định

6.5. Hiệu lực của quyết định, thông báo bị khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại

– Quyết định, thông báo bị khiếu nại vẫn có hiệu lực trong thời gian giải quyết khiếu nại, trừ trường hợp bị tạm đình chỉ thi hành theo quyết định bằng văn bản của người giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 35 của Luật Khiếu nại;

– Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thi hành ngay quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật:

+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày;

+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực pháp luật sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

– Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc thụ lý đơn khiếu nại lần hai trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý đơn. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ không có hiệu lực pháp luật. Quyết định, thông báo bị khiếu nại tiếp tục có hiệu lực cho đến khi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật;

– Người khiếu nại lần hai có trách nhiệm thông báo ngay cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc nộp đơn khiếu nại đó.

Trên đây là một số quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Do đó, Quý Khách hàng xem xét để có phương án bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền của Chủ sở hữu Bí mật kinh doanh

1. Khái niệm Chủ sở hữu Bí mật kinh doanh Theo quy định tại khoản […]

XEM THÊM
Bí mật kinh doanh và điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

1. Khái niệm Bí mật kinh doanh Theo quy định tại khoản 23 Điều 4 […]

XEM THÊM
QUYỀN ĐĂNG KÝ VÀ ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Khái niệm chỉ dẫn địa lý Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 […]

XEM THÊM
Thủ tục sửa đổi Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

Theo quy định tại Điều 115 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp […]

XEM THÊM