Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA VIỆC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày Đăng: 27 Tháng Chín, 2022

Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng, cụ thể:

1. Về quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

Theo quy định trên thì một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, khiến cho bên bị vi phạm không đạt được mục đích giao kết hợp đồng

Nghĩa vụ theo quy định của Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền). Trong đó, Hợp đồng là một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ (khoản 1 Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015). Do vậy, vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (khoản 1 Điều 351 Bộ Luật Dân sự 2015). Cũng theo quy định này, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã có một ghi nhận rất rõ ràng về vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng để từ đó làm căn cứ áp dụng các biện pháp chế tài cho việc vi phạm.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Đây là cơ sở để bên có quyền áp dụng các biện pháp như hủy bỏ hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại các Điều 424, Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015. 

Như vậy, hiện nay pháp luật đã có quy định về vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong Hợp đồng, đây được coi là một trong các căn cứ để bên có quyền thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

– Các bên có thỏa thuận trước về điều kiện được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Đây là một trong những nguyên tắc được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự (khoản 2 Điều 3). Tuy nhiên, mọi cam kết, thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì sẽ có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Như vậy, trong hợp đồng, các bên được quyền tự do thỏa thuận về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên thỏa thuận này không được vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định; còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận (Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015).

– Pháp luật có quy định về các trường hợp được đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng

Đây được coi là những trường hợp mà pháp luật quy định một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt Hợp đồng cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 422 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 thì hợp đồng chấm dứt khi bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện.

Thứ hai, quy định về đơn phương chấm dứt Hợp đồng tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 (phân tích cụ thể phần 1.2)

Thứ ba, căn cứ theo quy định tại Điều 516 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 thì trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, Điều 520 Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng dịch vụ như sau:

– Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng làm căn cứ áp dụng trong một số trường hợp trên thực tiễn.

2. Về nghĩa vụ thông báo trước của bên đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy, khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên đơn phương phải có nghĩa vụ thông báo cho bên kia biết về việc đơn phương, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Việc thông báo trước là một nghĩa vụ được Bộ luật Dân sự 2015 quy định nhằm đảm bảo sự an toàn cũng như tính kịp thời của bên bị chấm dứt hợp đồng trước sự đơn phương chấm dứt của bên kia. Tuy nhiên, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn phải thông báo trước.

Tại Án lệ số 21/2018/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì một bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng, có thực hiện nghĩa vụ thông báo trước nhưng thông báo trong một thời gian ngắn, gây thiệt hại cho bên kia thì vẫn phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

Do đó, việc thông báo trước phải được thực hiện trong một khoảng thời gian hợp lý. Căn cứ khoản 7 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: “Thời hạn hợp lý là khoảng thời gian được hình thành theo thói quen đã được xác lập giữa các bên hoặc là khoảng thời gian mà trong điều kiện bình thường, các bên trong hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm hoặc chủ thể khác có quyền, lợi ích liên quan có thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình”.

Theo đó, thời hạn hợp lý này có thể được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc theo một quy định pháp lý hoặc có thể áp dụng thói quen, tiền lệ, tập quán với từng loại hợp đồng cụ thể.

3. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng

3.1. Đơn phương đúng pháp luật

Khi đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng thì phần hợp đồng chưa thực hiện sẽ chấm dứt, nghĩa là hợp đồng được coi là chấm dứt kể từ thời điểm bên vi phạm nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng từ bên bị vi phạm. Khi hợp đồng bị chấm dứt, bên có nghĩa vụ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng các bên phải thanh toán phần hợp đồng đã được thực hiện. Đồng thời, bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

3.2. Đơn phương trái pháp luật

Theo quy định tại khoản 5 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan, cụ thể là phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (nếu có) xảy ra cho bên bị vi phạm và chịu phạt một khoản tiền (nếu các bên thỏa thuận trong hợp đồng).

Thứ nhất, bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Một, theo quy định tại Điều 13, Điều 360 và khoản 2 Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được quy định như sau:

– Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác

– Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Bên cạnh đó, tại Điều 302 Luật Thương mại 2005 thì bồi thường thiệt hại được hiểu là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

Theo đó, nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng vi phạm nghĩa vụ báo trước hoặc bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không có quyền đơn phương chấm dứt thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho bên bị vi phạm.

Hai, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005 thì giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Như vậy, vấn đề bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi bên bị vi phạm có thiệt hại thực tế. Vì thế, mức bồi thường phải được tính toán đầy đủ, bao gồm tổn thất thực tế mà bên vi phạm gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia và khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia. Do mang tính bù đắp nên số tiền phải bồi thường không thể vượt quá số tiền thiệt hại thực tế. Đây là nguyên tắc xác định mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, từ đó, hạn chế mức bồi thường không lớn hơn mức thiệt hại của bên bi vi phạm.

Ba, căn cứ áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại gồm các yếu tố sau (Điều 303 Luật Thương mại 2005):

– Có hành vi vi phạm hợp đồng. Đó là hành vi của một bên đã xử sự trái với những cam kết trong hợp đồng hoặc trái với quy định của pháp luật, nếu trong hợp đồng không quy định. Ở đây đó là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng mà vi phạm thời hạn báo trước hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

– Có thiệt hại thực tế xảy ra. Đó là những thiệt hại có thực phát sinh trực tiếp từ sự vi phạm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Những thiệt hại này hoàn toàn có thể xác định được và tính bằng tiền. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thiệt hại thực tế bao gồm tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia và khoản lợi nhuận trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Tổn thất thực tế có thể là: giá trị số tài sản mất mát, hư hỏng; chi phí để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra; tiền phạt vi phạm hợp đồng hoặc tiền bồi thưởng thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba do hậu quả trực tiếp của sự vi phạm hợp đồng gây ra…. Những khoản tổn thất này phải trực tiếp do bên vi phạm gây ra. Những khoản tổn thất không trực tiếp thì không được bồi thường. Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, còn được gọi là khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ, ví dụ các khoản lãi, thu nhập trực tiếp đáng lẽ được hưởng nhưng thực tế không thu được do vi phạm hợp đồng.

– Hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Có nghĩa là có mối quan hệ nhân quả, trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Những thiệt hại là hậu quả của hành vi vi phạm; nếu không có hành vi vi phạm thì không có thiệt hại. Hành vi vi phạm phải xảy ra trước, từ hành vi đó mới dẫn đến thiệt hại.

Thứ hai, phạt vi phạm do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005 thì phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại 2005). Như vậy, phạt vi phạm hợp đồng chỉ đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận trước đó trong hợp đồng và mức phạt vi phạm không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Như vậy, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (nếu có) xảy ra cho bên bị vi phạm và chịu phạt một khoản tiền (nếu các bên thỏa thuận trong hợp đồng).

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, pháp luật quy định rất cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả pháp lý đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Theo đó, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Quy định pháp luật về bảo lãnh Ngân hàng

1. Phạm vi và điều kiện bão lãnh Ngân hàng Căn cứ theo quy định […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Ngày 28/3/2022, Thủ Tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định […]

XEM THÊM
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ […]

XEM THÊM
Hình thức mua bán vàng vật chất trực tuyến từ sau năm 2010 đến nay

1. Về giao dịch mua bán vàng qua tài khoản từ sau năm 2010 Ngày […]

XEM THÊM