QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày Đăng: 5 Tháng Chín, 2022

1. Các yếu tố cấu thành Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán thì Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

– Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm… và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;

– Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 203 BLHS 2015 thì Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Theo đó, các yếu tố cấu thành tội này bao gồm:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện ở một trong các hành vi sau đây:

+ In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;

+ Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;

+ Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây: Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định; Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn.

Hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm này, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số;

+ Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số;

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Thứ hai, mặt chủ quan của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hậu quả và nhận thức rõ hành vi mình làm là trái luật, họ mong muốn thực hiện hành vi phạm tội hoặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Thứ ba, khách thể của tội phạm: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm tới chế độ quản lý của Nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách do Nhà nước thống nhất phát hành.

Thứ tư, chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự 2017 thì cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước sẽ bị xử phạt như sau:

2.1. Hình phạt đối với cá nhân phạm tội

– Khung hình phạt thứ nhất: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung hình phạt thứ hai: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

– Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.2. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

– Khung hình phạt thứ nhất:  Pháp nhân thực hiện hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

Khung hình phạt thứ hai: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Khung hình phạt thứ ba: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Khung hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3. Những điểm mới của Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước tại Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Thứ nhất, bổ sung về hành vi khách quan

Theo Điều 164a Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về hành vi khách quan của tội này là hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn.

Tại Điều 203 BLHS 2015 (sửa đổi, bố sung năm 2017) đã làm rõ số lượng hóa đơn, chứng từ, cụ thể như sau: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng mới cấu thành tội phạm này.

Thứ hai, thay đổi về các dấu hiệu định khung hình phạt

Tại điểm d, đ và e khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa số lượng hóa đơn, chứng từ, khoản thu lợi bất chính tại quy định của khoản 2 Điều 164a Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, cụ thể:

– Điểm d khoản 2 Điều 164a: “Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;” được sửa thành “Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;”

– Điểm đ khoản 2 Điều 164a: “Thu lợi bất chính lớn;” được sửa thành “Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;”

– Điểm g khoản 2 Điều 164a: “Gây hậu quả nghiêm trọng.” được sửa thành “Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;”

Thứ ba, bổ sung thêm trách nhiệm của pháp nhân thương mại phạm tội

So với Điều 164a Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại.

Thư tư, thay đổi về các mức hình phạt

– Khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định bổ sung thêm hình phạt tiền đối với khung hình phạt thứ hai của cá nhân phạm tội, cụ thể: phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng

– Khoản 4 Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định bổ sung thêm hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Như vậy, qua phân tích nêu trên cho chúng ta thấy: Đối với tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có nhiều điểm mới mang tính khoa học, hợp lý, cụ thể, rõ ràng và hoàn thiện hơn so với Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.

NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM CHẾ ĐỘ MỘT VỢ, MỘT CHỒNG

1. Các yếu tố cấu thành Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

1. Các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động […]

XEM THÊM
NGHIÊN CỨU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

1. Các yếu tố cấu thành Tội tham ô tài sản. Theo quy định tại […]

XEM THÊM