Quy định pháp luật về thu nhập chịu thuế và thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Quy định pháp luật về thu nhập chịu thuế và thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Ngày Đăng: 25 Tháng Hai, 2022

1. Quy định pháp luật về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và mục 2.3 Điều 3 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày 11/12/2014 (gọi tắt là Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH) thì thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm các loại thu nhập sau đây (trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH), cụ thể:

– Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

– Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản: phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

– Tiền thù lao dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút và các khoản tiền hoa hồng, thù lao khác;

– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, và các tổ chức khác;

– Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.

– Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh việc quy định các khoản thu nhập chịu thuế, tại Điều 4 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH quy định các khoản thu nhập liên quan đến tiền lương, tiền công được miễn thuế thu nhập cá nhân, bao gồm:

– Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.

– Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả; tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

– Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.

Như vậy, pháp luật có quy định cụ thể về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công góp phần quan trọng trong công tác tính thuế, đồng thời góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

2. Điểm mới về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công tại Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH so với Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001 của Ủy ban tường vụ Quốc hội về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao

Thứ nhất, không còn quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập thường xuyên

Cụ thể, căn cứ theo Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001 của Ủy ban tường vụ Quốc hội về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì thu nhập chịu thuế được phân chia thành thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên và thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, tiền thưởng được coi là thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, Pháp lệnh không định nghĩa rõ về thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên dẫn đến việc áp dụng quy định trên thực tế gặp khá nhiều khó khăn.

Khắc phục được hạn chế nêu trên, Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH đã quy định theo hướng phân loại thu nhập chịu thuế theo nguồn phát sinh thu nhập, theo đó, thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn…

Việc quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công cũng như các loại thu nhập chịu thuế khác không còn được phân theo hướng thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên sẽ là cơ sở để tính thuế phù hợp với từng loại thu nhập của cá nhân.

Thứ hai, điều chỉnh quy định về thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, cụ thể:

Thay vì quy định một cách chung chung về“tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, tiền thưởng” như tại Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001 thì Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH đã quy định cụ thể thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm các khoản: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; Các khoản phụ cấp, trợ cấp (trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm…); Tiền thù lao dưới các hình thức; Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền; Tiền thưởng (trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…).

Như vậy, có thể nhận thấy, Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH đã điều chỉnh theo hướng quy định chi tiết các thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công. Điều này sẽ góp phần điều tiết công bằng thu nhập của các tầng lớp dân cư theo hướng mọi cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (trừ trường hợp thu nhập rất thấp và một số trường hợp đặc biệt) đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, góp phần thực hiện công bằng xã hội tại nước ta.

Quy định pháp luật về bảo lãnh Ngân hàng

1. Phạm vi và điều kiện bão lãnh Ngân hàng Căn cứ theo quy định […]

XEM THÊM
QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Ngày 28/3/2022, Thủ Tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định […]

XEM THÊM
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ […]

XEM THÊM